Hôm nay, khi các cơn bão, lũ đã đi qua, khi mọi chuyện đã dần dần ổn định hơn, tôi mới có thời gian ngồi ghi lại những câu chuyện, những cảm xúc của mình về những câu chuyện ngày mưa lũ vừa qua.

Trong những ngày từ 15 đến 20/10/2020 Hà tĩnh đón những trận mưa lớn, dồn dập, lượng mưa có lúc lên đến 1200 mm, các công trình thủy lợi đồng loạt xã lũ, trong đó có đại công trình thủy lợi Hồ Kẻ Gỗ, lưu lượng xả có khi lên đến 1200m3/s nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ nằm trong rốn lũ, trong đó có Cẩm Thạch là một xã nằm ở phía Tây Bắc của huyện Cẩm Xuyên, nằm dưới hạ lưu 2 công trình thủy lợi Kẽ Gỗ và Bộc Nguyên, lại có con sông Ngàn Mọ đổ về, cũng như các công trình thuỷ lợi và đường giao thông cùng che chắn cộng với lượng mưa lớn khiến xã nhanh chóng ngập trong biển nước.

h

h

Với chủ trương của Đảng Nhà nước, Ban phòng chống thiên tai xã đã chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách hợp lý. Các ban ngành, đoàn thể đã có sự phản ứng xử lý linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ. Tất cả cán bộ đã ra quân và với cương vị là người đứng đầu – tôi cũng đã trực tiếp đến tận nơi để cứu hộ và chỉ đạo anh em làm nhiệm vụ. Ưu tiên trước mắt là khẩn trương di dời các hộ dân tại các vùng thấp trũng, đặc biệt là người già và trẻ em, vùng bị ngập sâu, chia cắt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

h
Di dời các hộ dân đến nơi an toàn

h

h

Tuy nhiên do lượng mưa quá lớn, mực nước dâng lên rất nhanh khiến hệ thống điện bị cắt, nên việc thông tin đến bà con nhân dân rất khó khăn. Chính vì vậy, cán bộ và các lực lượng cứu hộ của xã đã phải trực tiếp đến tận nơi thông báo cho các hộ dân. Đặc biệt, trong đêm ngày 19/10, khi cả xã đã bị ngập chìm trong biển nước, hệ thống thông tin liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt, các tôi cùng các đồng chí trong đội cứu hộ  liều mình chông chênh trên con thuyền nhỏ tiếp cận những nhà bị ngập sâu để đưa người dân đến nơi an toàn.. Tất cả đều làm việc với thái độ khẩn trương và hết sức nghiêm túc, hầu như dầm mình trong nước mưa hy vọng làm sao có thể đến nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời nhất với nhân dân. Mực nước lên mỗi lúc một nhanh, nhiều đồng chí nhà trong vùng lũ, vợ con cũng cần được đi sơ tán nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm của người cán bộ phải trức tục 24/24 để chống lũ. Có trường hợp người dân bị thương trong quá trình chạy lũ, không thể tiếp cận được cơ sở y tế, anh em khi biết được thông tin ngay lập tức chèo thuyền đến để ứng cứu, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được sơ cứu kịp thời.Mặc dù, lực lượng cán bộ mỏng, rất nhiều phần việc phải làm trong công tác chống lũ, vừa xử lý thông tin chỉ đạo của cấp trên, vừa triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt ảnh hưởng và thiệt hại của lũ, vừa đảm bảo an toàn về tính mạng cho nhân dân, đặc biệt là những người yếu thế, công việc gối công việc nhưng vẫn ưu tiên bố trí người đến bệnh viện, ở lại chăm sóc bệnh nhân trước khi có người nhà đến hỗ trợ.
Dù anh em đã nỗ lực làm việc hết sức vất vả, nhưng mọi thứ dường như quá nhỏ bé trước sức mạnh của mẹ thiên nhiên ,các hộ dân hầu như đều bị  thiệt hại tài sản rất lớn, nhưng trong tình hình bão lũ nước dâng cuồn cuộn như vậy thì đó là điều khó tránh khỏi.

h

Ở giai đoạn đầu, khi mà nhà nhà đều nằm trong biển nước, lương thực vẫn là điều thiết yếu nhất, các điểm tập trung không có lương thực, các tổ chức cứu trợ ở bên ngoài chưa tiếp cận được, anh em  lại phải tìm cách xoay xở để tiếp cận lương thực cho bà con. Địa bàn Cẩm Thạch ở quá xã trung tâm, lại bị cô lập trong nước các đoàn cứu trợ chỉ có thể dừng lại ở các vùng như Cẩm Thành, Cẩm Vịnh…ngoài quốc lộ 1 A. Lúc đó, chỉ có cách tiếp tục băng qua ngọn lũ ra tại đường tránh chờ đón các đoàn cứu trợ tập trung do lũ mà xe không vào được để đưa về tiếp tế cho bà con nhân dân. Dù cực kỳ vất vả, nhưng khi trao tận tay bà con gói mì, tấm lương khô, động viên mọi người cùng cố gắng, mọi chuyện sẽ tốt hơn, nhận được sự cảm thông từ phía nhân dân anh em đều thấy ấm lòng hơn,  có thêm sức mạnh để cùng với bà  chống chọi và vượt qua khó khăn.
Bão đi qua, lũ cũng rút dần, cuốn theo rất nhiều tài sản, của cải của nhân dân, những chắt chiu, hy vọng cho ngày thu hoạch cuối năm, cho một cái tết ấm no hơn nay tiêu tan hết cả. Hiểu được những khó khăn, mất mát của người dân vũng lũ, tất cả yêu thương trên khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về miền Trung ruột thịt. Những chuyến xe cứu trợ đầy ắp tình thương của nhân dân cả nước nuối đuôi nhau về tiếp tế cho người dân. Ban chỉ đạo đã phân công cán bộ điều tra tình hình thiệt hại, nắm danh sách và phối hợp các đoàn cứu trợ để tất cả ngừơi dân khó khăn thiệt hại đều được chia sẻ, động viên kịp thời.

h
Hình ảnh gia cầm bị lũ cuốn trôi

h
Thiệt hại sau lũ

CƠN BÃO QUA ĐỂ LẠI CƠN BÃO LÒNG

Bão qua đi, nhưng trong lòng tôi vẫn còn nhiều trăn trở, nhiều câu chuyện cần suy ngẫm.
Trước hết là những vấn đề khó khăn trong quá trình cứu hộ cứu nạn. Trong quá trình cứu hộ, khi cán bộ và lực lượng cứu hộ đến thuyết phục nhưng có những người dân đã không chịu chấp hành và xem thường mạng sống của mình. Anh em buộc phải có những biện pháp cưỡng chế để di dời những hộ gia đình này. Nhiều hộ dân chủ quan, cứ nghĩ nước lũ sẽ “chừa nhà mình ra”, nên cố gắng bám trụ lại nhà để bảo vệ tài sản. Không ngờ, nước lũ lên nhanh, người dân đồng loạt kêu cứu, khiến các lực lượng cứu hộ rất vất vả. Lúc đó, lại quay ra trách móc hỏi tại sao lực lượng cứu hộ ở đâu?không đến cứu chúng tôi.
Thật đáng buồn, một số gia đình con cái khá giả hơn lại không có trách nhiệm với cha mẹ mình trong lúc nước lũ dâng. Thậm chí trong lúc lũ vào, khi còn có thể không tự đưa cha mẹ mình đi sơ tán mà vẫn ung dung ngồi đó đăng bài lên mạng xã hội kêu ca đoàn cứu hộ không đến (trong khi nhà cách vùng ngập không xa). Rồi có những trường hợp đòi kiện thôn, kiện xã tại sao mình không được, được ít, được nhiều… Tất cả khiến cho cán bộ, lực lượng cứu hộ buồn lòng. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm vì dân, mọi buồn phiền đều được phải gạt qua một bên, cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ.
Tiếp theo về việc cứu trợ. Khi lũ rút số lượng đoàn liên hệ cứu trợ rất nhiều, việc điều phối và xử lý các yêu cầu của các đơn vị tài trợ phải được tiến hành nhanh. Anh em lại mỗi người một việc, người lấy danh sách từ các đơn vị, người làm phiếu, người nhận hàng, người phát hàng, người dẫn đoàn đến gặp trực tiếp các đối tượng, cố gắng làm sao để làm tốt nhất, để các đoàn về cứu trợ có ấn tượng tốt đẹp về miền đất và con người Cẩm Thạch. Khối lượng công việc lớn, anh em phải làm xuyên trưa, xuyên tối, những bữa ăn tạm bợ khi đã quá trưa, quá bữa cốt làm sao để ngày mai phát quà được thuận lợi.

h
Cán bộ xã tranh thủ làm phiếu nhận quà vào buổi tối để kịp phát vào ngày mai

Qua đây tôi cũng hy vọng các đoàn cứu trợ hiểu và có những chia sẻ với địa phương. Nhiều đoàn về trao quà tại xã đã đánh giá và khen ngợi công tác tổ chức, sắp xếp khoa học nhanh, gọn của xã. Thế nhưng, có đoàn cứu trợ về rồi lại đi khiến cho xã luôn trăn trở. Xã hội cũng như một gia đình có người thế này, có người thế kia, người thì làm cha mẹ vui lòng nhưng có người lại làm phiền lòng cha mẹ. Tôi nghĩ đã xác định đi cứu trợ thì có nhiều tình huống gặp phải chúng ta cũng khoan hãy phê bình, hay có những lời nói thiếu thiện ý làm rối thêm cho địa phương. Tôi mong các đoàn chia sẽ, cảm thông bởi lúc đó do địa phương tiếp cận không kịp, lực lượng cán bộ mỏng; đội ngũ cán bộ ngoài công việc chuyên môn của mình còn rất nhiều việc phải làm, phải tập trung khảo sát thiệt hại sau lũ, công tác vệ sinh môi trường, khắc phục sau lũ, tiếp đón, phối hợp với các đơn vị thôn xóm hỗ trợ các đoàn cứu trợ đến tại địa phương để trao quà cho hộ dân bị thiệt hại. Tất cả cán bộ  “căng mình” cân, đếm, bốc dỡ hàng, lập danh sách, sắp xếp hàng hóa, thống kê danh sách để phân phát cho dân vùng lũ nhằm đảm bảo không ai phải chịu thiệt hơn. Hầu như  làm việc không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm.
Anh em nỗ lực, cố gắng hết sức làm sao để kết nối được nhiều đoàn nhất, hy vọng rằng có thể chia sẻ bớt những khó khăn mất mát với nhân dân. Nhưng có lúc, có nơi nhân dân chưa hiểu, chưa cảm thông cho anh em cán bộ thôn và xã, đâu đó vẫn có những lời nói, những hành động chưa hay, chưa đẹp khiến công sức của anh em bỏ ra chưa được ghi nhận hoặc đánh giá sai. Nhiều người dân, khi nhận quà cứu trợ về lại tị nạnh nhau, phân biệt quà nhiều hay ít, quà có giá trị hay không giá trị mà không nghĩ rằng “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đó là tất cả tình cảm của những tấm lòng của người dân trên cả nước. Nhiều khi anh em phải tổ chức về cùng họp để xử lý và phân tích cho bà con nhân dân hiểu. Có những đêm  thức trắng đêm để xử lý những tình huống dân chưa bằng lòng.
Nên nhớ, đây chỉ là cứu trợ, chỉ là tạm thời giải quyết vấn đề trước mắt việc đòi hỏi đúng, đủ, đều chỉ có thể nằm ở mức tương đối. Muốn khôi phục lại đời sống của nhân dân không thể là việc làm ngày một, ngày hai, phải có một chiến lược dài hơi dưới sự định hướng của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân mới có thể đưa xã Cẩm Thạch kiên cường vượt qua khó khăn, sớm ổn định và phát triển.

Ở TRONG CƠN LẠNH CỦA BÃO LŨ, TA LẠI CẢM NHẬN ĐƯỢC SỰ ẤM ÁP CỦA TÌNH NGƯỜI

Mỗi người một ngành nghề, một lứa tuổi khác nhau nhưng có chung một hành động bởi đều có một trái tim ấm áp yêu thương và một tinh thần “tương thân tương ái” hướng về miền Trung trong những ngày phải gánh chịu lũ dữ liên tiếp. Những hành động của họ đã thắp lên ngọn lửa về tinh thần đoàn kết, sẻ chia lan tỏa trong cộng đồng. Đó là tấm lòng của người dân cả nước, đó là những chuyến xe cứu trợ hướng về miền trung ruột thịt, thật sự hoạn nạn mới thấy chân tình. Khi gió buốt mới cảm nhận được manh áo ấm, khi đói lả mới thấy trân quý từng hạt cơm, khi khó khăn mới hiểu sự sẻ chia. Mỗi đóng góp dù ít hay nhiều nhưng là cả tấm lòng của các anh, các chị dành tặng miền Trung yêu dấu. Những đóng góp dù nhiều dù ít những làm chúng tôi dù vất vả nhưng lại tiếp thêm động lực để mọi người làm việc hết sức hết mình.

h

h

h

Có những người con xa quê, ngay đầu cơn bão đã về quê hương cùng với anh em cán bộ tham gia vào đoàn cứu hộ. Hết cơn bão những người con ấy lại lên đường, tôi còn chưa kịp nói lời cảm ơn. Bên cạnh một số người hay đòi hỏi, lại có những người dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn chỉ lên nhận món quà cứu trợ, chúng tôi bảo h nhận thêm, họ nói để cho người sau, khiến anh em ai cũng cảm động.
Tất cả anh em cán bộ và những người tham gia cứu hộ trên cả nước nên được biết đến như những người hùng. Đến giờ tôi càng thấm thía câu ngạn ngữ “ Người hùng không phải là người dẫm kẻ yếu xuống đất mà là người nâng kẻ yếu lên”Đó là những chuỗi ngày anh em làm việc không biết mệt mỏi, tôi là người cũng thường sắp xếp khá chu đáo song việc ăn uống của anh em cũng bữa được bữa không. Chúng tôi vẫn cố gắng hết sức bởi bên cạnh chúng tôi còn có những người cùng làng, cùng xã tương trợ nhau, người ở thôn ngập ít hỗ trợ thôn ngập sâu bằng việc nấu cơm trong lúc sơ tán, chèo thuyền cứu dân, dọn dẹp vệ sinh, phơi thóc lúa sau lũ. Đó là những việc làm hết sức ý nghĩa, những hành động đó khiến tôi xúc động và thầm cảm ơn những tấm lòng tương thân tương ái, chia sẻ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, tiếp thêm cho tôi nguồn động lực cùng anh em cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ.
Và qua đây tôi xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả các nhà hảo tâm trên cả nước, các mạnh thường quân, con em ở xa quê hương đã quan tâm và luôn hướng về miền Trung ruột thịt. Đặc biệt cảm ơn hai xe cứu trợ tại đường tránh ngã tư Kẻ Gỗ thuộc đoàn cứu trợ Nghệ An và xuồng của đoàn cứu trợ giao thông Hà Nội đã tiếp cận trong lúc giai đoạn  khó khăn nhất.

Cảm ơn những người hùng trên khắp cả nước, cảm ơn những người dân luôn động viên và hỗ trợ chúng tôi trong quá trình chống lũ. Không ai hy vọng sẽ xảy ra thiên tại lũ lụt, nhưng tôi hy vọng khi xảy ra những khó khăn trên sẽ không còn nữa. Mọi người cùng đoàn kết vì đoàn kết là sức mạnh duy nhất để đối chọi với thiên nhiên.
Đúng là: nếu không có cảnh đông tàn thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân. Trải qua thiên tai, qua khó khăn cũng cho bản thân tôi thêm nhiều bài học nhiều kinh nghiệm trong cách quản lý, chỉ đạo điều hành và cho tôi bài học sâu sắc nhất quý giá nhất đó là bài học về tình người.
Cán bộ lãnh đạo chính quyền và bà con nhân dân xã Cẩm Thạch rất cảm động trước những tấm lòng của các nhà hảo tâm. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kiều bào ở nước ngoài đã kịp thời chia sẻ, giúp đỡ địa phương và Nhân dân Cẩm Thạch trong thiên tai, hoạn nạn. Sự chung tay, tiếp sức của các cấp, các ngành và cộng đồng là động lực to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cẩm Thạch quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong rằng mỗi người dân Cẩm Thạch khi đi qua khó khăn sẽ biết trân trọng hơn những sự giúp đỡ, chia sẻ của tất cả các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và cũng chủ động hơn, cố gắng nỗ lực hơn để tự mình vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống./.
Những hình ảnh ghi lại:

h

 

h

h
Cán bộ dọn vệ sinh sau lũ tại trụ sở UBND xã

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 115.262
Trong năm: 14.138
Trong tháng: 12.284
Trong tuần: 7.282
Trong ngày: 228
Online: 15