Rừng là tài nguyên quý giá, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, gắn liền với đời sống thường ngày của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
          Rừng điều hòa khí hậu, giữ đất, giữ nước, phòng chống bão lụt xói mòn rửa trôi, chắn sóng, chắn cát bay và gió hại, bảo vệ mùa màng. Cây rừng hấp thụ khói bụi độc hại, giải phóng Oxy, ổn định và điều hòa không khí, chống biến đổi khí hậu, kiến tạo môi trường sống trong lành.
- Rừng là cảnh quan thiên nhiên. Các khu rừng đặc dụng, khu rừng bảo tồn là nơi dự trữ sinh quyển, nguồn gen quý giá phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp du lịch. Rừng là căn cứ cách mạng, di tích lịch sử, gắn liền với thành lũy chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
“Rừng là lá phổi xanh của sự sống”
          Huyện Cẩm Xuyên: có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 32.452 héc ta.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện đang tiếp tục vào mùa khô hanh, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao; từ 35 - 38oC, có nơi trên 38oC, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng, cháy lớn rất dễ xảy ra. Cháy rừng thực sự là một trong những thảm hoạ, thiêu hủy tài nguyên rừng một cách nghiêm trọng và nhanh nhất.
Nguyên nhân các vụ cháy rừng: ngoài nguyên nhân khách quan, là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao thì nguyên nhân chính, là do sự thiếu ý thức của con người gây nên: như đốt xử lý thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, đốt dọn vườn gây cháy lan, đốt ong để lấy mật, hút thuốc lá không dập tàn thuốc, đốt lửa ở những vùng gần rừng, ven rừng, thắp hương ở các khu nghĩa trang, nghĩa địa,….Tất cả những việc làm trên: dù cố ý hay vô ý, nếu gây cháy rừng thì hậu quả sẽ khôn lường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để hạn chế tác hại trên, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật, để thực hiện tốt nhiệm vụ Bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Trong đó: UBND huyện đã cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng; các đơn vị, ban, ngành liên quan và nhân dân trên địa bàn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác Bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, cụ thể một số nội dung chính sau đây:
I. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Lâm nghiệp: Quy định tại Điều 9 Luật lâm nghiệp
1. Cấm Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
2. Cấm Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng, trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi, vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.
3. Cấm Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
4. Cấm Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
5. Cấm Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.
6. Cấm Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lâm sản trái quy định.
7. Cấm Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật.
8. Cấm Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp trái quy định của pháp luật.
9. Cấm Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
II. Điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng: Quy định tại Khoản 3, Điều 47, Nghị định 156 của Chính phủ
          Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện:
          a. Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy;
b. Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Trong ngày, nếu được đốt thì tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều;
          c. Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, xóm, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng, Kiểm lâm địa bàn, UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm, để theo dõi và được hướng dẫn thực hiện các quy định an toàn về phòng cháy rừng. Trong khi đốt, phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong, phải dập tắt hết tàn lửa mới được ra về.
          Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng, phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.
III. Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng trước và trong mùa khô hanh: Quy định tại Khoản 3, Điều 50, Nghị định 156 của Chính phủ
a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ rừng trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng, theo chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất;
b. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên, trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng, theo chế độ định kỳ và đột xuất;
c. Cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; định kỳ đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy; kiểm tra đột xuất, khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng, hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng, và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.
IV. Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy: Quy định tại điều 51, Nghị định 156 của Chính phủ
1. Người phát hiện cháy rừng, phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây:
a. Chủ rừng;
b. Đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất;
c. Cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất;
d. Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.
2. Cơ quan, đơn vị nói trên: khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý, phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết, để chi viện chữa cháy. Trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý; thì sau khi nhận được tin báo cháy, phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết, để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.
3. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng: phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy, phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
4. Chủ rừng và các lực lượng công an, kiểm lâm, quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan hữu quan khác: có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy, theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
V. Trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: Quy định tại Khoản 2, Điều 53, Nghị định 156 của Chính phủ
Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động trong rừng, ven rừng: Quy định tại Điều 55, Nghị định 156 của Chính phủ
1. Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;
2. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;
3. Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định;
4. Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;
5. Phối hợp với các chủ rừng khác, các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng. Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trong rừng và ven rừng. Không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;
6. Thực hiện và tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
7. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
8. Đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.
9. Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy.
VI. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng trồng, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; từ rừng phòng hộ là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư: Quy định tại Điều 11, Thông tư 26 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn
1. Về hồ sơ:
a. Bản sao Phương án khai thác, được phê duyệt đối với trường hợp khai thác gỗ, hoặc bản sao Phương án khai thác do chủ rừng lập, đối với trường hợp khai thác thực vật rừng ngoài gỗ, bộ phận, dẫn xuất từ thực vật rừng;
b. Bản sao quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đối với trường hợp khai thác tận dụng gỗ, trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
VII. Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; cây trồng phân tán, cây vườn nhà có tên trùng với cây gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên: Quy định tại Điều 12, Thông tư 26 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
1. Về hồ sơ: Bản chính Phiếu thông tin khai thác lâm sản do chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập theo quy định của pháp luật.
- Đối với chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã được UBND huyện giao đất, giao rừng, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp: Phải báo cáo UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên để được hướng dẫn các trình tự, thủ tục pháp lý trước khi khai thác rừng trồng, đồng thời để cập nhật, theo dõi diễn biến rừng theo đúng quy định của pháp luật.
- Đối với các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán: Phải báo cáo với đơn vị chủ rừng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để được hướng dẫn, đồng thời để cập nhật, theo dõi diễn biến rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Mọi trường hợp khai thác rừng trái phép khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
VIII. Một số quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp: Quy định tại Nghị định số 35 năm 2019 và Nghị định số 07 năm 2022 của Chính phủ:
1. Lấn, chiếm rừng
Hành vi dịch chuyển mốc giới, ranh giới rừng hoặc chiếm rừng của chủ rừng khác; rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê: Tùy theo từng loại rừng, tính chất, mức độ, diện tích vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Khai thác rừng trái pháp luật
Hành vi khai thác lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền: Tùy theo từng loại rừng, tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 5.00.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng
Người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng: Như: Chủ rừng không báo cáo cho UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm khi có biến động về diện tích rừng được giao; Chủ rừng không chấp hành các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng; Mang dụng cụ vào rừng để bẫy bắt động vật rừng; Lập lán, trại trong rừng; Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong; Không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa, khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng…
Tùy theo từng loại rừng, tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng
Người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng: Tùy theo từng loại rừng, tính chất, mức độ, diện tích vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
5. Phá rừng trái pháp luật
Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng, với bất kỳ mục đích gì, mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Tùy theo từng loại rừng, tính chất, mức độ, diện tích vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
- Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
1. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
2. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
3. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
4. Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;
5. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
6. Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng;
7. Buộc tiêu hủy lô hạt giống, lô cây giống lâm nghiệp;
8. Buộc đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy ra khỏi rừng;
9. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
10. Đình chỉ hoạt động khai thác rừng có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng;
11. Đình chỉ hoạt động của cơ sở chế biến lâm sản có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều bị xử lý nghiêm, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 đến 15 năm.
Thưa quý vị và toàn thể nhân dân!
Đất, rừng hiện nay đã được Nhà nước Giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế đất rừng, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế vườn rừng, làm giàu rừng theo quy hoạch, kế hoạch và được hưởng lợi, đầu tư theo chính sách của Nhà nước để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
          Mọi hành vi tác động vào tài nguyên rừng, không tuân theo các quy định của pháp luật Nhà nước, là vi phạm pháp luật và đều bị ngăn chặn, xử lý. Vì vậy mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, toàn thể người dân, hãy tích cực tham gia, thực hiện đúng các quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
“Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta”.



 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 175.040
Trong năm: 73.614
Trong tháng: 9.777
Trong tuần: 2.787
Trong ngày: 55
Online: 8