Qua kiểm tra đồng ruộng, đến nay cây lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng; một số diện tích có biểu hiện vàng lá, chủ yếu do lượng phân bón sử dụng chưa cân đối. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến đầu tháng 5/2025 khả năng chịu ảnh hưởng của 03 đợt không khí lạnh (13/4- 17/4; 20/4-23/4; 2/5-5/5), thời điểm chịu tác động của không khí lạnh, thời tiết duy trì hình thái trời nhiều mây, có mưa, sáng sớm và chiều tối có sương mù, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ trung bình từ 21-24 0C không thuận lợi cho quá trình trổ bông của lúa đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây bệnh trên lúa nhất là bệnh đạo ôn cổ bông. Để chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây lúa, Ủy ban nhân dân xã hướng dẫn một số biện pháp như sau: 1. Đối với bệnh vàng lá do thiếu đạm (Ure): - Biểu hiện: Lá lúa màu vàng sáng, lá ở phần gốc vàng trước, sau đó lan dần đến các lá phía trên. - Giải pháp: Bón bổ sung dinh dưỡng cho cây, bón phân vi sinh, phân đa yếu tố, các thành phần đạm, lân và kali. Đặc biệt không bón đơn độc đạm Ure dễ gâu bệnh và ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. 2. Đối với vàng lá do thiếu Kali: - Biểu hiện: Lúa có màu vàng nâu. Vết vàng xuất hiện từ đỉnh phiến lá lan dần theo mép lá xuống gốc lá. Hiện tượng này xuất hiện ở các chân đất lầy, trũng sâu hoặc bón quá nhiều đạm, ít kali; hiện nay hiện tượng lúa bị vàng lá do thiếu Kali xuất hiện khá nhiều tại một số thôn như Cẩm Đồng, Mỹ Thành, Đại Tăng…; đặc biệt thiếu Kali ảnh hưởng lớn đến phân hóa đòng, quá trình thoát trổ và hình thành hạt, năng suất cây trồng. - Giải pháp: Bón bổ sung Kali từ 4-6 kg/sào hoặc NPK loại có hàm lượng Kali cao; ngoài ra, có thể phun các loại phân qua lá như Siêu kali hoặc các loại phân qua lá tổng hợp có hàm lượng kali cao; sau 5-7 ngày phun nhắc lại. 3. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: - Biểu hiện: Vết bệnh có thể xuất hiện một vết nhỏ màu xám, sau đó chuyển thành màu nâu và lan rộng quanh thân, cổ bông. Khi nấm xâm nhiễm mạch dẫn dinh dưỡng, mạch sẽ bị cắt đứt, gây lép cho cả bông lúa. Trên vỏ trấu có những đốm tròn màu nâu cũng là một trong các biểu hiện của bệnh đạo ôn. Nếu không 2 phát hiện sớm và có điều kiện thuận lợi, bệnh có thể nhiễm vào hạt lúa, làm cho hạt bị đen và lép. - Giải pháp + Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống lúa để tập trung triển khai phòng trừ bệnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tiến độ lúa trổ bông để xác định thời điểm xử lý thuốc trên đồng ruộng; duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông và phát huy hiệu lực của thuốc trừ bệnh. + Kỹ thuật xử lý thuốc: Thời điểm phun thuốc lần 1 khi lúa trổ vè (trổ 3- 5%) và tiến hành phun lại lần 2 sau 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil; các loại thuốc thương phẩm phổ biến trên địa bàn tỉnh với nồng độ, liều lượng khuyến cáo. Phun cho 1 sào (500 m2 ) như sau: Filia® 525 SE, Kasoto 200SC: Pha 30ml thuốc vào 20-25 lít nước; Beam® 75WP, Flash 75WP: Pha 15 gam thuốc vào 20-25 lít nước; Kabim 30WP: Pha 20 gam thuốc vào 20-25 lít nước; Ninja 35EC, Funhat 40EC: Pha 50ml thuốc vào 20-25 lít nước… 4. Đối với một số loại bệnh khác: Cần chủ động kiểm tra, theo dõi để phòng trừ như: - Bệnh khô vằn: Hiện nay, bệnh bắt đầu xuất hiện và gây hại ở một số chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm, điều kiện thời tiết và cây trồng từ nay đến cuối vụ thuận lợi cho sự phát sinh, phát tán của bệnh. Cần chủ động kiểm tra phát hiện và phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện; sử dụng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Validamycin, Difenoconazole, Hexaconazole; các loại thuốc thương phẩm như: Vida® 5WP, Tilt Super® 300EC, A-V-T vil 5SC,… - Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng: Xuất hiện cục bộ dạng ổ, rầy. Dự báo lứa rầy tiếp theo sẽ ra rộ từ thời điểm 20/4/2025 trở đi, chủ yếu tại các vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại; căn cứ thời điểm rầy nở rộ, mật độ rầy để tiến hành phòng trừ đảm bảo hiệu quả, sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Imidacloprid, Clothianidin, Pymetrozine; các loại thuốc thương phẩm như: Chess 50WG, Ba Đăng 300WP, Anvado 100WP,… - Bệnh bạc lá: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa dễ nhiễm bệnh như: Khang dân đột biến...và những diện tích hàng năm bệnh thường phát sinh gây hại; sử dụng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Oxytetracycline, Kasugamycin, Ningnanmycin; các loại thuốc thương phẩm như: Kamsu 2SL, Sunshi 21WP, Miksabe 100WP… 3 Đề nghị các đồng chí thôn trưởng các thôn thông tin trên hệ thống truyền thanh để Nhân dân được biết, chủ động thực hiện các giải pháp như đã khuyến cáo; đặc biệt tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày tạnh ráo để xử lý thuốc, phun thuốc vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để phát huy hiệu lực của thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và hướng dẫn sử dụng trên bao gói. Nhận được Văn bản đề nghị các thôn triển khai thực hiện có hiệu quả./.